BÁO NGOẠI GỢI Ý 10 ĐIỂM THAM QUAN VIỆT NAM HẤP DẪN NHẤT NĂM 2017
Vịnh Hạ Long, chùa Thiên Mụ, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hội An, Phú Quốc, địa đạo Củ Chi, đồng bằng sông Cửu Long, Sapa, Mũi Né, Nha Trang là 10 điểm tham quan hấp dẫn nhất Việt Nam năm 2017 do chuyên trang du lịch TP bầu chọn.
1. Vịnh Hạ Long. Là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh. Vịnh giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km2, bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của vịnh có diện tích 335 km2 quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Vịnh Hạ Long cùng với đảo Cát Bà tạo thành một trong 21 khu du lịch quốc gia đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1994 vùng lõi của vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ (tiêu chuẩn VII), và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo (tiêu chuẩn VIII) vào năm 2000.
2. Chùa Thiên Mụ (chùa Linh Mụ). Ngôi chùa cổ nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế (Việt Nam) khoảng 5 km về phía Tây. Chùa chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601), đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng - vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
3. Hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm). Hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12 ha. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận này.
4. Phố cổ Hội An. Đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Với những giá trị nổi bật, tại kỳ họp lần thứ 23 cuối năm 1999 (ngày 4 tháng 12), tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới.
5. Phú Quốc (đảo Ngọc). Hòn đảo lớn nhất Việt Nam nằm ở vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
6. Sapa. Là thị trấn vùng cao thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Nó nằm trên một mặt bằng ở độ cao 1.500 - 1.650 m ở sườn núi Lô Suây Tông. Đỉnh của núi này có thể nhìn thấy ở phía Đông Nam của Sa Pa, có độ cao 2.228 m. Từ thị trấn nhìn xuống có thung lũng Ngòi Dum ở phía Đông và thung lũng Mường Hoa ở phía Tây Nam. Nơi đây là một trong những điểm du lịch hút khách bậc nhất Việt Nam.
7. Mũi Né. Là tên một mũi biển và trung tâm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết, Bình Thuận được đưa vào danh sách các khu du lịch quốc gia Việt Nam. Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo, Mũi Né đã mọc lên hàng trăm khu resort. Khi đến Mũi Né, du khách sẽ có thể được tham quan làng chài Mũi Né, có cơ hội chứng kiến được hoạt động của một làng chài xứ biển thuần chất Việt Nam.
8. Đồng bằng sông Cửu Long (vùng đồng bằng Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ). Là vùng cực nam của Việt Nam. Vùng này có 1 thành phố trực thuộc trung ương là thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh bao gồm Long An (2 tỉnh Long An và Kiến Tường cũ), Tiền Giang (tỉnh Mỹ Tho cũ), Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang (tỉnh Cần Thơ cũ), Sóc Trăng, Đồng Tháp (2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ), An Giang ( 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cũ ), Kiên Giang (tỉnh Rạch Giá cũ), Bạc Liêu và Cà Mau.
9. Địa đạo Củ Chi. Là hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Tây Bắc. Hệ thống này được Việt Minh và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nó bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 250 km và có các hệ thống thông hơi tại vị trí các bụi cây. Năm 2015, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo. Trong 20 năm hoạt động, khu di tích đón hơn 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu. Ngày 12/2/2016, khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
10. Nha Trang. Đây là thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Nha Trang được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 22/4/2009. Đây là một trong các đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Thành phố này được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông, Viên ngọc xanh vì giá trị thiên nhiên, sắc đẹp cũng như khí hậu của nó.
Phượng Vũ (theo TP)